Đến cuối tháng 4/2022, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn tất nội dung Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2012, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước mời những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như: McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản)… đến nghiên cứu, lập quy hoạch và hai năm sau, 7 quy hoạch chiến lược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chính thức được tỉnh Quảng Ninh công bố dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ. Không gian phát triển của tỉnh được xác định là “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá”, trong đó tâm là TP.Hạ Long; tuyến phía Đông đến TP.Móng Cái hướng đến thị trường Đông Bắc Á, tuyến phía Tây đến TX.Đông Triều hướng tới Hà Nội và đồng bằng sông Hồng với Khu Kinh tế (KKT) ven biển Quảng Yên làm hạt nhân; hai mũi đột phá từ KKT Vân Đồn và KKT cửa khẩu Móng Cái… liên kết nội vùng, liên vùng trong tổng thể vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
“Muốn phát triển tốt phải có quy hoạch tốt, muốn có dự án tốt phải có quy hoạch tốt, quy hoạch phải đi trước một bước”, Quảng Ninh coi các quy hoạch chiến lược là cơ sở, nền tảng để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, khơi thông các tiềm năng, khai thác thế mạnh của tỉnh và thu hút tối đa mọi nguồn lực đầu tư, đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Trong chuyến làm việc với Quảng Ninh đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: “Quy hoạch “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá” này đã bắt đầu hình thành và chứng minh rằng quy hoạch đó là đúng đắn. Trên cơ sở này thì hạ tầng phải đi theo, như đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái xuyên suốt từ đông sang tây, tạo ra kết nối vùng. Và trên thực tế khi gắn kết lại với nhau thì sự phát triển là rất nhanh. Tại sao Quảng Ninh, Hải Phòng đúng là trở thành các cực tăng trưởng mới, là nhờ sự kết nối này”.
Tầm nhìn trong chiến lược phát triển bền vững đã giúp Quảng Ninh có nhiều bước tiến vượt bậc trong gần một thập kỷ qua, giữ đà tăng trưởng ổn định ở mức cao hàng đầu cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tiếp nối kết quả này, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, lựa chọn đơn vị tư vấn có uy tín, chất lượng hàng đầu thế giới và các chuyên gia trong nước. Quảng Ninh liên tục họp chuyên đề, khảo sát chuyên ngành, xin ý kiến tham gia của 19 đơn vị bộ, ngành Trung ương và 12 tỉnh, thành phố trong vùng và lân cận. Trong các buổi làm việc trực tiếp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nội dung đồ án quy hoạch của tỉnh đều được đánh giá cao.
“Đây là cơ hội để Quảng Ninh có thể làm tốt hơn từ cơ sở 7 quy hoạch trước đó. Quy hoạch này không chỉ nói đến phát triển mà phải nói đến cải thiện bố trí không gian hiện tại, tính toán cho cả hiện tại lẫn trong tương lai. Phải tạo ra những mục tiêu rõ ràng, các tiêu chí phải ở mức cao hơn, mang tầm quốc gia, quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Từ việc nhận diện rõ những mâu thuẫn, thách thức, Quảng Ninh xác định Quy hoạch tỉnh phải tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng tự chủ, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ… Một trong những mục tiêu trọng tâm đó là liên kết vùng nhờ đẩy nhanh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới không chỉ cho riêng Quảng Ninh mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đưa Việt Nam “gần hơn” với các thị trường trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á.
“Quảng Ninh ưu tiên cho việc tiếp tục liên kết để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đảm bảo đồng bộ, liên thông tổng thể để thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hoá lãnh thổ. Sâu xa hơn nữa đó là định hình, hoàn thiện các hành lang giao thông để kiến tạo nên các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương”, ông Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.
Đến nay, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị báo cáo Hội đồng thẩm định, sớm trình Chính phủ phê duyệt. Vào năm 2030, Quảng Ninh đặt mục tiêu trở thành “tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế”./.