Năm 2021 đã khép lại nhường chỗ cho năm mới, nhìn lại chặng đường năm cũ với bao nhọc nhằn thực hiện mục tiêu kép trong chống dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn đạt được những thành tích lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, kết quả đó khích lệ và như điểm tựa vững chắc để địa phương bước vào năm 2022.
Năm 2021, thực hiện thành công “mục tiêu kép”
Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2021, Quảng Ninh khẳng định đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng có những thuận lợi về địa bàn “An toàn – Ổn định – Phát triển”; Thực hiện thành công “mục tiêu kép” bước chuyển tiếp của năm trước, nhưng cũng đối diện với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là các đợt bùng phát dịch Covid-19. Song, nhờ có sự nhận định đúng tình hình từ xa, từ sớm, Quảng Ninh đã chủ động giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 của Quảng Ninh tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 ước tăng 10,28%, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước mà Tổng cục Thống kê công bố và nằm trong nhóm các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là tỉnh liên tục trong 6 năm liền có tốc độ tăng trưởng 2 con số. Trong đó, Khu vực I: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,51%, cao hơn 0,5 điểm % so với cùng kỳ, cao hơn 0,3 điểm % so với chỉ tiêu kế hoạch; Khu vực II: Công nghiệp và xây dựng tăng 14,59%, tăng cao hơn 1,73 điểm % so với cùng kỳ; Khu vực III: Dịch vụ tăng 6,11%, tăng cao hơn 0,08 điểm % so với cùng kỳ. Thuế sản phẩm tăng 6,05%, tăng cao hơn 0,49 điểm % so với cùng kỳ.
Năm 2022, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược
Năm 2022, với chủ đề năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm với mục tiêu tổng quát cụ thể:
Giữ vững đà tăng trưởng hai con số, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; Tập trung phát triển công nghiệp hóa – dịch vụ, du lịch – đô thị hóa và chuyển đổi số; Phát huy vai trò của các khu kinh tế, khu công nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm; xây dựng nông thôn mới, nông thôn văn minh. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Xây dựng văn hóa giàu bản sắc và con người Quảng Ninh; chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống mọi mặt của nhân dân theo tiêu chí của “Hạnh phúc”. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Củng cố vững chắc quốc phòng – an ninh; giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác phát triển. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.
Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu: Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 10%; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nội địa phấn đấu mức tăng cao nhất, tỷ lệ tăng thu tương ứng với mục tiêu tăng trưởng, thu xuất nhập khẩu đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, thu hút FDI đạt ít nhất 1,5 tỷ USD; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 11%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 68,5%; giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI.
Về xã hội, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 85,85%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 47,5%; đạt 55 giường bệnh/1 vạn dân, 14,9 bác sỹ/1 vạn dân, 2,7 dược sỹ đại học/1 vạn dân, trên 23,5 điều dưỡng/1 vạn dân, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; tỷ lệ giảm nghèo 0,11% (tương đương giảm 411 hộ nghèo); có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện (thành phố Hạ Long và huyện Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Về môi trường, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 97%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng.
Các giải pháp chủ yếu gồm: Thực hiện có hiệu quả Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ; Triển khai 15 đề án, chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh; Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với phương thức phát triển từ “nâu ” sang “xanh”, cơ cấu lại nền kinh tế; Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo vào GRDP và thu ngân sách; Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành Than. Phục hồi mạnh mẽ và phát triển ngành du lịch, dịch vụ thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19; Phát triển kinh tế biển, cảng biển và dịch vụ cảng biển; Tạo chuyển biến thực chất, đi vào chiều sâu, có hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới văn minh, nông thôn mới kiểu mẫu.
Tâm điểm phát triển là đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược. Theo đó huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; Thúc đẩy liên kết vùng. Năm 2022, phấn đấu hoàn thành cầu Cửa Lục 3; đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1); đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại Km20+050, đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng); đường nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng (km 6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1). Đầu tư hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chất trung tâm y tế (Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu), Bệnh viện Lão Khoa, Bệnh viện y dược cổ truyền tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm bảo trợ tâm thần thuộc Bệnh viện bảo vệ tâm thần tỉnh. Khởi công mới dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1); đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét – Con Ong. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các khu kinh tế, khu công nghiệp, trọng tâm là khu công nghiệp Việt Hưng, Hải Hà, Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong.
Quảng Ninh gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc các dân tộc địa phương; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội; hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “Hạnh phúc” và tăng cường công tác quản lý nhà nước mọi mặt…Với thành tựu kinh tế 2021 là động lực, điểm tựa vững chắc cho năm 2022, năm mới sẽ nhiều thắng lợi mới.