Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển của cả nước, trung tâm kinh tế biển; là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh). Đáng chú ý, ngay đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND tỉnh (ngày 18/1) về phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu trong từng giai đoạn của tỉnh, cũng như những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.
Trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Quảng Ninh, du lịch và dịch vụ biển tiếp tục được tỉnh xác định là một trong những nội dung trọng tâm. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch biển đảo sẽ chiếm tỉ trọng khoảng 75-80% ngành Du lịch toàn tỉnh; tổng số khách du lịch biển đảo đạt trên 28,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt trên 8 triệu lượt; tạo việc làm cho trên 225.000 lao động, trong đó, có gần 110.000 lao động trực tiếp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng, cho biết: Để phát triển bền vững kinh tế biển, Quảng Ninh đã, đang, và sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện, khai thác tốt hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ gắn với hạ tầng giao thông đồng bộ. Tập trung đầu tư nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng thương mại phục vụ phát triển du lịch như: Trung tâm thương mại, hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán hàng tự động… gắn với khai thác hiệu quả hệ thống cửa khẩu, cảng hàng không quốc tế và cảng biển. Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục xây dựng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt các nhà đầu tư có tiềm lực, thương hiệu mạnh, đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp, bền vững trên các đảo thuộc vùng biển Vân Đồn – Cô Tô, Hải Hà (xã Cái Chiên), Móng Cái (xã Vĩnh Trung, xã Vĩnh Thực…).
Thời gian qua, rất nhiều dự án du lịch đẳng cấp cũng đã được triển khai, hoàn thiện, đi vào sử dụng tại nhiều địa phương trong tỉnh, hứa hẹn nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, quy mô, hướng đến nhiều dòng khách, nhất là dòng khách có sức chi tiêu cao.
Giám đốc Sở Du lịch Phạm Ngọc Thuỷ cho biết: Mặc dù tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của ngành du lịch tỉnh. Tuy nhiên, ngành đã có nhiều giải pháp để chuẩn bị sẵn sàng tái khôi phục trong thời gian sớm nhất, trên tinh thần thích ứng linh hoạt của Chính phủ, trong đó, du lịch biển đảo vẫn là thế mạnh của Quảng Ninh.
Tỉnh cũng đang tập trung mạnh mẽ để phát triển công nghiệp ven biển, đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển nhanh và bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh tăng bình quân 17%/năm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng ít nhất 15% trong GRDP, thu hút tổng vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 50.000 tỷ đồng và tạo ra ít nhất 30.000 chỗ làm việc mới. Định hướng đến năm 2030, tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng trong GRDP của tỉnh có thể đạt 49-50%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 20% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành công nghiệp bình quân 15%/năm, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng bình quân 20%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 100.000 tỷ đồng (bình quân trên 20.000 tỷ đồng/năm) và tạo ra trên 50.000 chỗ làm việc mới.
Đối với 2 lĩnh vực kinh tế là: Kinh tế thuỷ sản và kinh tế hàng hải, cũng là một trong những lợi thế mà Quảng Ninh tập trung đầu tư để phát triển kinh tế biển giai đoạn tới. Trong đó, về phát triển kinh tế hàng hải, với nhiều lợi thế sẵn có, giai đoạn từ nay đến 2025, định hướng đến năm 2030 được xác định là khoảng thời gian mà Quảng Ninh có thể tạo bứt phá ở lĩnh vực này. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến 2030, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt khoảng 47.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 18,5%/năm; dịch vụ cảng biển đóng góp khoảng 3%-3,5% trong GRDP của tỉnh. Về kinh tế thuỷ sản, mục tiêu đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh ước đạt 31.510 tỷ đồng, tăng trưởng gấp khoảng 2,3 lần so với năm 2020; tổng sản lượng thuỷ sản đạt khoảng 228.000 tấn; tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 487 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động; 80% diện tích vùng nuôi tập trung được gắn với cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản sớm quy hoạch phát triển nghề nuôi biển bền vững; phát triển hợp lý phương tiện khai thác hải sản xa bờ; đầu tư, nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo đảm chủ quyền biển, đảo quốc gia. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh phải hình thành ít nhất 3 khu, vùng nuôi trồng thủy sản được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng cao.
Được biết, để đẩy nhanh thực hiện phát triển kinh tế biển, Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai đến các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có biển triển khai thực hiện 50 đề tài, dự án, nhiệm vụ, tập trung vào các nội dung, gồm: Quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; phát triển kinh tế biển, ven biển; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển; khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển. Hiện các đơn vị, địa phương đang khẩn trương triển khai hoàn thiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ được giao để báo cáo UBND tỉnh sớm cho ý kiến thực hiện.
Đáng chú ý, ngay đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND tỉnh (ngày 18/1) về phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch đã làm rõ hơn về những nhiệm vụ, giải pháp ở từng lĩnh vực kinh tế biển, dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặt trong tương quan phát triển của quốc gia, quốc tế. Qua đó, nhằm tăng tốc phát triển từng lĩnh vực kinh tế biển một cách cụ thể, đóng góp chung cho tăng trưởng kinh tế biển theo hướng bền vững tại Quảng Ninh.